Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc "khai quốc công thần" của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên. Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là "Voltaire của Nhật Bản", không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vựơt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ. ...Để đóng góp trong việc khai hoá văn minh, nâng cao dân trí, phát triển xã hội, Fukuzawa Yukichi chủ trương các học giả phải có lập trường độc lập với chính phủ. Do đó, suốt cả cuộc đời ông nhất quyết từ chối mọi lời mời tham dự chính quyền, mặc dù nhiều học giả cùng hội cũng như các môn đệ của ông giữ trọng trách quan trọng trong chính phủ Minh Trị. Năm 1900, ông được nhận giải thưởng tử Hoàng gia Nhật Bản do công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Giải thưởng trị giá năm mươi nghìn yên. Ông tặng lại số tiền cho trường Keio. Năm 1901, ông mất do xuất huyết não, thọ sáu mươi tám tuổi. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là cuốn "khuyến học", được ông viết trong thời gian 1872-1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới đựơc in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần. Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn "trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như "không tin vào tai mình" - cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực tế". Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa. Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong khuyến học có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bạn ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hoá. Ngoài ra cuốn "cẩm nang" của người Nhật này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính các và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô "ăn nhờ ở đậu" nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành "quốc dân" của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay.