SƠ LƯỢC LỊCH SỬ 35 NĂM HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM
Từ năm 1969 đến năm 2004
HOÀN CẢNH VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM
Ở miền Bắc, dưới thời thuộc Pháp người mù luôn bị coi là những người thừa của cả gia đình và xã hội, họ không được học hành và luôn phải chịu sự ghẻ lạnh hắt hủi của xã hội. Để có được miếng ăn hàng ngày, không ít người đã phải đi ăn xin hoặc âm thầm sống nhờ sự cưu mang của gia đình. Tuy nhiên với trí óc và các giác quan khác phát triển bình thường nên nhiều người đã quyết chí vươn lên tự lập cuộc sống bằng chính khả năng của mình. Nhiều người đã học nghề tẩm quất, học hát xẩm và cả nghề bói toán … có người đã trở thành nghệ nhân xẩm nổi tiếng, thợ tẩm quất điêu luyện…
Đặc biệt từ năm 1943 khi ông Nguyễn Chí Thiện là 1 trong 5 học sinh giỏi nhất của trường giành cho người mù ở Sài Gòn cùng vợ tình nguyện ra Hà Nội vận động quyên góp mở trường dạy cho trẻ em mù thì người mù ở miền Bắc bắt đầu được tiếp cận với chữ Braille từ ngày ấy.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền. Ở miền Bắc dưới chế độ XHCN – Trong hoàn cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn do hậu qua chiến tranh nhưng người mù nói riêng và những người tàn tật nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ. Ngoài trường Thương binh hỏng mắt do Nhà nước thành lập từ năm 1955 ở 139 Nguyễn Thái Học Hà Nội, vào năm 1960, Ban Dân chính Trung ương đã thành lập trường dạy nghề và tổ chức sản xuất cho người mù ở Bắc Giang. Trường tiếp nhận khoảng gần 100 người mù cô đơn, khó khăn dạy nghề làm đinh, đan lát … Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan chỉ 3, 4 tháng sau trường giải thể. Cũng từ năm 1960 trong phong trào xoá mù chữ, bổ túc văn hoá nhiều người mù (nhất là những người mù ở Hà Nội) đã tìm đến các lớp học ban đêm để học tập. Khoảng 40 thanh niên, thiếu niên mù được vào học chương trình bổ túc văn hoá cấp I ở trường chữ nổi Ba Đình. Một số người đã được vào học ở một số trường Đại học hệ tại chức.
Được học tập, được tiếp nhận những thông tin về người mù các nước XHCN, người mù Việt Nam càng khát khao có được tổ chức riêng của mình.
Năm 1946 – Do bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc. Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng gay go, ác liệt, thì ngày 26/11/1966 Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã ban hành Thông tư 202/CP về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người tàn tật. Trong thông tư này đã nhấn mạnh đến việc thành lập Hội người mù. Điều này đã đáp ứng lòng mong mỏi của những người tàn tật nói chung và người mù nói riêng.
Tháng 7/1968 Bộ Nội Vụ đã cử ông Thái Cầm là chuyên viên của Vụ Cứu Trợ đến tiếp xúc với các ông Nguyễn Công Tiễu, Huỳnh Đình Thảo, Đinh Thuyên, Trần Công Nhuận để thông báo chủ trương của Nhà nước cho phép thành lập Hội.
Xem chi tiết tại trang: http://hnmvn.vn/lich-su-hinh-thanh
Ứng dụng Hội Người mù Việt Nam cung cấp thông tin hữu ích tới người kiếm thị được tạo bởi Trung Ương Hội Người mù Việt Nam.
Địa chỉ: Số 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: (+8424)38452060; Fax: (+8424)38452537